Tại mỗi quốc gia, đều có những ngày lễ Tết riêng với phong tục, văn hóa truyền thống thể hiện chính bản sắc riêng biệt của đất nước ấy. Vậy có bao giờ bạn thắc mắc và muốn tìm hiểu rằng ở Hàn Quốc có những ngày Tết nào? Tết ở Hàn Quốc có giống Việt Nam không? Tết ở Hàn Quốc là ngày nào? Hôm nay, chúng mình sẽ mang đến cho bạn những thông tin đầy đủ và thú vị về ngày Tết cổ truyền ở Hàn Quốc và Tết trung thu Hàn Quốc nhé!
Tết Nguyên Đán ở Hàn Quốc
Trước hết, bạn có thắc mắc rằng Hàn Quốc ăn Tết dương hay âm? Tết Hàn Quốc ngày nào? Sunny xin trả lời rằng, cũng giống như Việt Nam, người dân đón Tết cổ truyền Hàn Quốc hay còn gọi là Seollal (설날) vào ngày 1 tháng Giêng âm lịch hàng năm.
Đối với người Hàn Quốc, Tết Nguyên Đán không chỉ đánh dấu một năm mới, đây còn là dịp đặc biệt để tỏ lòng kính trọng với tổ tiên và gặp gỡ, đoàn tụ cùng những thành viên trong gia đình. Vì vậy, trong những ngày này, người Hàn Quốc thường mặc Hanbok thực hiện các lễ nghi trước tổ tiên, chơi trò chơi, ăn những món ăn truyền thống, gặp gỡ mọi người.
Nguồn gốc Tết Nguyên Đán ở Hàn Quốc
Theo sử sách ghi lại, Tết Nguyên Đán được bắt đầu từ năm 488 triều đại Silla. Đây được xem là ngày lễ quan trọng nhất trong năm, mọi người sẽ về quê tụ họp bên gia đình và đón cái Tết ấm no, hạnh phúc. Tuy nhiên vào những năm 1900, Hàn Quốc là thuộc địa của Nhật Bản thì đã bị cấm tổ chức ngày Tết cổ truyền này. Mãi hơn 40 năm sau đó, đất nước giành độc lập và chính phủ Hàn Quốc quyết định ngày Tết Nguyên Đán (Seollal) là ngày lễ chính thức của quốc gia.
Phong tục đón Tết của Hàn Quốc
Cũng giống như ngày Tết cổ truyền ở Việt Nam, Tết Hàn Quốc là ngày đoàn tụ gia đình, tưởng nhớ tổ tiên, vì vậy người dân sẽ dọn dẹp nhà cửa, làm những mâm cơm cúng rồi sau đó sẽ đi chúc Tết người lớn trong gia đình và nhận tiền mừng tuổi cùng những lời chúc tốt đẹp trong năm mới. Hơn nữa, có rất nhiều thứ phải chuẩn bị cho Tết ở Hàn Quốc như: thực phẩm, đi lại, đồ trang trí,…. Mọi người phải chuẩn bị đồ thờ cúng tổ tiên, quà tặng cho nhau vì vậy mà những ngày gần Tết ở các chợ, siêu thị hay cửa hàng tạp hóa đều có rất đông người mua đồ…
Bên cạnh đó, đối với những người ở xa quê việc đi lại cần được chuẩn bị và đặt vé tàu sớm bởi có quá nhiều người muốn trở về quê hương ăn Tết. Việc đi lại bằng xe ô tô có thể lâu gấp 4 lần ngày bình thường vì mật độ giao thông dày đặc.
Trước đây, người Hàn Quốc thường mặc Hanbok trong tất cả những của Tết cổ truyền tuy nhiên hiện nay, họ chỉ mặc vào 3 ngày Tết Nguyên Đán vì vậy đây cũng là dịp đặc biệt mà khách du lịch có thể thấy những bộ Hanbok đầy màu sắc trên đường phố.
Những món quà phổ biến trong ngày Tết Hàn Quốc
Tết âm lịch ở Hàn Quốc bên cạnh những lời chúc may mắn, mọi người còn tặng cho nhau những món quà. Các món quà thường thay đổi theo mỗi năm phụ thuộc và kinh tế hay xu hướng tuy nhiên, những món quà phổ biến nhất trong ngày Tết Hàn Quốc là tiền mặt và thẻ quà tặng từ các cửa hàng. Đối với cha mẹ, những món quà nhận được sẽ là nhân sâm, mật ong, các sản phẩm về sức khỏe và ghế massage. Ngoài ra, mọi người cũng tặng cho nhau những món quà như cá ngừ, bánh truyền thống, cá khô hoặc trái cây.
Những trò chơi truyền thống trong ngày Seollal
Điều thú vị nhất trong dịp Seollal là cả gia đình quây quần, tham gia những trò chơi vui vẻ với nhau. Yutnori (윷놀이) là trò chơi phổ biến nhất, tương tự như trò cá ngựa ở Việt Nam, các bước di chuyển phụ thuộc vào kết quả tung 4 thanh gỗ (thay cho các viên xúc xắc).
Ngoài ra, trong dịp lễ cổ truyền này các gia đình có thể cùng nhau xem phim hay các chương trình đặc biệt được phát sóng trong dịp Tết. Hay chơi những trò chơi khác như Jegi-chagi (제기차기 – trò chơi đá cầu), Neoltwiggi (널뛰기 – trò chơi bập bênh), Tuho (투호 – trò chơi ném mũi tên), và Yeon-naligi (연날리기 – trò chơi thả diều).
Những món ăn truyền thống trong ngày Tết cổ truyền
Súp bánh gạo Hàn Quốc (Tteokguk)
Đây là món ăn thường thấy ở Hàn Quốc đặc biệt là vào những ngày đầu năm mới. Nguyên liệu chính là bánh gạo tượng trưng cho sự thịnh vượng về tiền bạc và của cải. Ngoài ra, trong dịp Tết cổ truyền này người Hàn Quốc thường chọn bánh gạo dạng dài để thể hiện cho sức khỏe và sự trường thọ. Việc ăn Tteokguk không chỉ là để chào mừng ngày đầu tiên trong năm mới mà còn để tưởng nhớ thần mặt trời.
Bên cạnh đó, Ở Hàn Quốc, thay vì hỏi tuổi trẻ em, người lớn sẽ hỏi “Cháu đã ăn Tteokguk được bao nhiêu lần rồi?”. Bởi vì theo quan niệm, nếu bạn ăn một bát canh bánh gạo Tteokguk thì có nghĩa là bạn đã lớn thêm một tuổi.
Sườn om (Galbi Jjim)
Galbi Jjim là món ăn đặc biệt được phục vụ trong các ngày Tết âm lịch tại Hàn Quốc hay trong ngày Tết trung thu hoặc vào ngày sinh nhật, tiệc cưới của ai đó. Đây là món ăn hấp dẫn, ngon và nổi bật trong những ngày Tết.
Đồ uống quế Hàn Quốc (Sujeonggwa)
Đồ uống truyền thống của người Hàn Quốc rất nhiều, quen thuộc với tất cả chúng ta như soju hay Makgeolli tuy nhiên Sujeonggwa là loại đồ uống thường được phục vụ vào những dịp lễ tết. Nguyên liệu làm sujeonggwa là các loại quả ngọt phơi khô, nhất là quả hồng, và các thứ tạo hương vị như quế, và gừng; hạt thông thường được dùng để trang trí và tạo vị cay. Nó có màu đỏ nâu sẫm cùng vị ngọt, cay và ấm.
Tết Trung Thu ở Hàn Quốc
Ngoài ngày Tết cổ truyền thì ngày Tết trung thu ở Hàn Quốc cũng là một dịp rất quan trọng đối với người dân ở đây. Vào ngày này, các công ty, trường học đều cho mọi người nghỉ vì Tết trung thu được Hàn Quốc công nhận là một trong những ngày nghỉ lễ chính thức trong năm. Vì vậy, mọi người dân Hàn Quốc đều đặc biệt coi trọng dịp lễ này, tất cả những người con làm ăn, học tập xa xứ đều cố gắng thu xếp về đoàn tụ gia đình vào dịp trung thu.
Nguồn gốc và ý nghĩa của Tết trung thu
Ngày lễ Chuseok có từ thời Gabae của nước Silla (từ năm 57 TCN đến năm 935). Theo truyền thuyết, nhà vua Yuri (24-27), quân vương thứ 3 của triều Silla đã mở ra một cuộc thi tài với các đội nữ nhi ở kinh thành dệt vải từ 15/07 âm lịch đến 14/08 âm lịch. Đến ngày 15/08 âm lịch sẽ quyết định đội thắng cuộc và nhận được phần thưởng từ vua. Đội thua sẽ phải chuẩn bị các món ăn và tiết mục múa hát. Đến nay, nhiều nơi ở Hàn Quốc vẫn tổ chức cuộc thi này vào ngày lễ Chuseok.
Bên cạnh đó, quan điểm về nguồn gốc Tết trung thu là từ lễ hội mừng vụ mùa bội thu và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Những thành quả của vụ mùa sẽ được dâng cúng cho thần thánh trong làng và tổ tiên để tỏ lòng biết ơn cũng như cầu mong cho mùa vụ tiếp theo, cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. Đây chính là ý nghĩa của ngày Tết trung thu ở Hàn Quốc.
Những hoạt động trong ngày Tết Trung thu
Trong ngày Tết trung thu, người Hàn Quốc đã tổ chức những sự kiện mang đậm nét đặc trưng văn hóa ở xứ xở Kim Chi. Đây là dịp đặc biệt để những du khách có thể trải nghiệm, tìm hiểu phong tục độc đáo này.
Nghi lễ thờ cúng tổ tiên trong ngày đầu lễ Chuseok
Tết trung thu Hàn Quốc là ngày mà đại gia đình đoàn tụ. Vì vậy, ngày đầu tiên của lễ Chuseok, tất cả các thành viên trong gia đình sẽ có mặt đầy đủ, cùng thực hiện những nghi lễ cúng bái tổ tiên. Và kết thúc nghi lễ, các con cháu sẽ cùng nhau hưởng lộc do tổ tiên ban để lấy may mắn.
Nghi thức Beolcho (벌초 – Bách thảo) và Seongmyo (성묘 – Tảo mộ)
Cũng giống như phong tục tảo mộ vào tiết Thanh minh của người Việt Nam trong ngày Tết cổ truyền, vào ngày Tết trung thu ở Hàn Quốc, con cháu trong nhà sẽ ra mộ dọn cỏ và cúng bái, dọn dẹp xung quanh khu vực mộ của tổ tiên.
Sau khi dọn dẹp mộ phần, con cháu sẽ chuẩn bị một mâm lễ với các món ăn truyền thống dâng cúng tổ tiên để bày tỏ lòng biết ơn và kính trọng. Ý nghĩa quan trọng nhất của nghi thức Beolcho (벌초 – Bách thảo) và Seongmyo (성묘 – Tảo mộ) là thể hiện đạo lý nhớ nguồn và lòng biết ơn của con cháu đối với tổ tiên.
Những trò chơi truyền thống trong ngày Chuseok
Vậy trong ngày Tết ở Hàn Quốc này, người dân sẽ chơi trò gì? Chuseok là dịp mà mọi người tổ chức các trò chơi truyền thống như kéo co (Juldarigi) hay đấu vật (Ssireum). Đây là những trò chơi có từ lâu đời và vẫn lưu giữ đến hiện nay như một nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc.
Đấu vật (Ssireum)
Trò chơi này chắc không còn xa lạ với mọi người, đây là trò chơi thể hiện sức mạnh của các chàng trai. Cuộc thi thường đường tổ chức trên một bãi đất trống với hình thức loại trực tiếp. Người trụ lại đến cuối cùng chính là người chiến thắng và được tôn vinh là Jangsa (장사 – tráng sĩ) cùng với nhiều phần thưởng của dân làng.
Kéo co (Juldarigi)
Cũng giống như trò kéo co ở Việt Nam thì Juldarigi là một trò chơi phổ biến trong dịp lễ Trung thu tại Hàn Quốc được tổ chức rộng rãi và dành cho mọi lứa tuổi. Số người được chia đều thành các đội để thi đấu với nhau. Với số người tham gia càng đông thì sợi dây càng dày, to và thời gian càng dài.
Những món ăn truyền thống trong ngày Tết trung thu ở Hàn Quốc
Bên cạnh những hoạt động truyền thống hay những trò chơi phổ biến trong ngày lễ Chuseok, thì vào ngày này, các thành viên gia đình tụ họp với nhau và nấu những món ăn truyền thống, quây quần bên mâm cơm gia đình.
Bánh Songpyeon
Nếu như ở Việt Nam bánh nướng bánh dẻo là món bánh truyền thống trong ngày Tết trung thu, thì ở Hàn Quốc bánh Songpyeon là loại bánh không thể thiếu trong ngày lễ Chuseok.
Loại bánh gạo này được hấp trên một lớp lá thông tươi, tùy theo từng vùng miền sẽ có kích thước khác nhau tuy nhiên phổ biến nhất là là hình bán nguyệt. Trong khi người Việt Nam xem trăng tròn là biểu tượng cho sự viên mãn tròn đầy thì ở Hàn Quốc lại xem trăng khuyết rồi sẽ tròn là biểu tượng của sự may mắn, sinh nổi, nảy nở.
Bên cạnh đó, người Hàn còn quan niệm rằng, thiếu nữ nào làm bánh Songpyeon vừa ngon vừa đẹp sẽ tìm được ý trung nhân, phụ nữ có gia đình sẽ sinh được con gái xinh xắn.
Bánh kếp Jeon
Jeon (전) là tên gọi chung cho các loại bánh kếp Hàn Quốc với thành phần là bột loãng trộn cùng rau củ rồi rán.
Các nguyên liệu ra phổ biến trong loại bánh này là Dongtaejeon (동태전 – bánh kếp nướng cá minh thái) và Hobakjeon (호박전 – bánh kếp chiên giòn với bí ngòi) hay Kimchijeon (김치전 – bánh kếp kimchi) ăn cùng với Makgeolli (막걸리- rượu gạo truyền thống) mang đậm hương vị truyền thống.
Canh khoai sọ Toranguk (토란국)
Loại canh phổ biến và đặc trưng nhất của Tết trung thu Hàn Quốc đó chính là canh khoai sọ Toranguk (토란국). Các thành phần chính trong món canh này là ức bò, gân bò được ninh cùng khoai. Món canh này khá bổ dưỡng và thanh đạm là món ăn phổ biến không chỉ trong ngày Tết trung thu mà còn trong cuộc sống hàng ngày của người dân ở đây.
Bánh gạo Hangwa
Hangwa là món ăn mang đậm nét đẹp văn hóa Hàn Quốc, không chỉ xuất hiện trong dịp năm mới mà còn trong ngày Tết trung thu. Đây là món bánh gạo đòi hỏi sự cầu kỳ, tinh tế và khéo léo của người làm để tạo ra hình dáng đẹp mắt. Hangwa được làm từ bột gạo, mật ong, rễ cây, hoa quả và các chất tạo màu tự nhiên.
Quả lê (배)
Trong mâm cúng dâng lên bàn thờ tổ tiên, quả lê là thức quả đặc trưng nhất được thờ cúng trong ngày Tết trung thu. Quả Lê Hàn Quốc khá to, có vị thanh mát, ngọt và mọng nước. Đó không chỉ là món tráng miệng yêu thích mà còn là món quà ý nghĩa để tặng trong dịp tết trung thu.
Như vậy, qua bài viết này, hy vọng các bạn đã biết những thông tin đầy đủ và giải đáp thắc mắc về ngày Tết Hàn Quốc cùng những câu hỏi như: Tết Hàn Quốc ngày bao nhiêu, lịch âm Hàn Quốc có giống Việt Nam không,…