Nếu bạn là một mọt phim “Hàn Xẻng”, chắc hẳn đã không ít lần nghe hay nhìn qua cái tên “Chaebol” này. Bạn có thể lờ mờ hiểu ý nói của nó, nhưng nếu muốn hiểu rõ tường tận hơn về “Chaebol là gì” và những vấn đề xoay quanh thì hãy cùng bài viết tìm hiểu ngay nhé!
Ngoài mong muốn giải thích tới bạn “Chaebol là gì”, bài viết sẽ cung cấp thêm những thông tin về nguồn gốc hình thành, đặc điểm cũng như là top 5 Chaebol quyền lực nhất tại Hàn. Bên cạnh đó, những mặt trái chưa được hé lộ đằng sau các nhà tài phiệt có khả năng “gây sóng gió” tại Hàn cũng sẽ được bật mí cho bạn đọc ngay tiếp theo đây.
Chaebol là gì?
Câu hỏi “Chaebol là gì?” thường đi kèm với “Tài phiệt là gì?”. Lý giải cho điều này, Chaebol chính là tên gọi khác của những tài phiệt sở hữu tập đoàn gia đình lớn mạnh có thể “hô mưa gọi gió” trong nền kinh tế cũng như chính trị, xã hội tại Hàn Quốc.
“Tài phiệt” là tên Hán tự của “Chaebol”, còn theo Hàn ngữ “Chae” mang nghĩa sở hữu, “bol” trong “Mumbol” mang nghĩa gia đình quyền quý. Ghép lại thành từ Chaebol ý chỉ một tập đoàn được tạo lập bởi một nhóm các công ty con và đứng đầu là một gia đình Hàn Quốc giàu có, quyền lực.
Vậy ta có thể định nghĩa tài phiệt thế nào? Tài phiệt là tên gọi chung của một nhóm trùm tư bản tài chính sở hữu nhiều ngân hàng, xí nghiệp lớn. Họ biến chúng trở thành sức mạnh tài chính hình thành nên chế độ tài phiệt nhằm chi phối hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội và quân sự của đất nước sở tại.
Để có được nguồn sức mạnh uy quyền này, các tập đoàn tài phiệt thường không kinh doanh độc nhất ở một ngành nghề mà là “càn quét” ở nhiều lĩnh vực có mối quan hệ trợ giúp lẫn nhau.
Vậy thuật ngữ “Chaebol” này bắt nguồn từ đâu, câu hỏi sẽ được giải đáp ngay tiếp ở thông tin sau đây.
Nguồn gốc hình thành nên Chaebol Hàn Quốc
Vào năm 1945, tức sau thế chiến thứ 2, Nhật Bản đầu hàng và hoàn toàn rút ra khỏi Hàn Quốc. Ngay lúc này, một số doanh nhân Hàn đã rất nhanh trí, tận dụng cơ hội chớp lấy quyền sở hữu tài sản mà các doanh nghiệp Nhật để lại. Chính từ đây, một vài trong số đó đã phát triển thành Cheabol ngày nay.
Tuy nhiên, như vậy là chưa đủ để hình thành nên đế chế Chaebol có tầm ảnh hưởng lớn mạnh như bây giờ. Vào năm 1961, những chính sách khuyến khích và hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp lớn được tổng thống đương nhiệm thời đó – ông Park Chung Hee – ban hành nhằm cải tổ nền kinh tế cổ hủ, lạc hậu của đất nước ngày ấy.
Kết quả đã chứng minh những quyết sách này thực sự vô cùng đúng đắn. Nhờ nó mà các Chaebol phát triển nhanh chóng cả trong nước lẫn ngoài quốc tế. Điều này dẫn tới sự hồi sinh ngoạn mục của một nền kinh tế bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, nay đã chuyển mình trở thành một cường quốc kinh tế trên thế giới.
Cho đến cuối thập niên 1980, các tập đoàn khổng lồ này gần như đã chế ngự hầu hết các lĩnh vực, trong đó mạnh nhất phải kể đến lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt về sản xuất, thương mại và các ngành công nghiệp nặng.
Cũng chính từ năm 1984, thuật ngữ “Chaebol” bắt đầu ra đời như một cột mốc đánh dấu thời kỳ hoàng kim của họ đã tới.
Đặc điểm Chaebol Hàn Quốc
Mặc dù hệ thống phân quyền của mô hình Chaebol rất phức tạp và chồng chéo lên nhau, nhưng nó lại hoạt động hiệu quả bằng việc để một người đứng đầu tập đoàn nắm quyền kiểm soát các công ty mẹ.
Các công ty mẹ này tiếp tục chịu trách nhiệm quản lý các công ty con trực thuộc khác. Điều quan trọng là toàn bộ công việc điều hành và nguồn quỹ kinh doanh này sẽ do con cháu của đại gia tộc Chaebol nắm giữ. Vì vậy có thể nhận định rằng, cơ cấu quyền lực của các tập đoàn tài phiệt có mức độ tập trung cao, thường người đứng đầu có quyền quyết định tất cả mọi việc.
Thấy được những mặt lợi của mô hình kinh doanh này, nhiều công ty từ các nước khác nhau đã học hỏi và vận dụng nó. Trong đó có các Chaebol ở Việt Nam đã thành công áp dụng như tập đoàn VinGroup, Vinamilk, Viettel, Thaco,…
Bạn cũng không khó bắt gặp cách thức vận hành này qua những bộ phim về Chaebol Hàn Quốc như: Hạ cánh nơi anh, Những người thừa kế, Tầng lớp Itaewon, Vì sao đưa anh tới, Khu vườn bí mật,…
Thêm vào đó, để phục vụ riêng cho việc xuất khẩu các nhà tài phiệt Hàn thường tự thành lập một thương hiệu chuyên thực hiện mục đích này. Tuy nhiên, họ khó có thể phát triển và mở rộng riêng biệt trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng bởi sự kiểm soát các Chaebol từ luật pháp cũng như chính phủ Hàn Quốc.
Danh sách 5 Chaebol đứng đầu Hàn Quốc
Tập đoàn Samsung
Chaebol Samsung hiện đang là tập đoàn có vị thế đi đầu tại Hàn Quốc với tổng doanh thu đạt mức 144 tỷ USD/năm, chiếm tới 70% GDP cả nước cho thấy tầm ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế quốc dân của họ.
Có được vị thế như ngày hôm nay, họ đã phải nỗ lực ngay từ những ngày mới thành lập vào năm 1938. Khởi đầu chỉ là một công ty bán buôn nhỏ lẻ, nay đã vươn mình trở thành tập đoàn khổng lồ phát triển đa ngành, đa lĩnh vực. Từ công nghiệp điện tử, chế biến thực phẩm tới bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, quảng cáo, đóng tàu, xây dựng,…
Để quản lý và hoạt động tốt trên tất cả lĩnh vực này, họ đã mở ra rất nhiều công ty con, chuỗi cung ứng bán hàng và hệ thống văn phòng đại diện đặt trên toàn thế giới.
Tập đoàn SK
Được thành lập từ sớm vào năm 1939, chỉ sau Samsung một năm, SK Group trở thành tập đoàn thương mại đứng đầu tại Hàn Quốc. Họ kinh doanh trên nhiều lĩnh vực như công nghệ viễn thông, trung tâm thương mại, khách sạn, điều chế dược phẩm, sản xuất phim ảnh, đĩa nhạc,…
Trong số đó lĩnh vực thành công nhất phải kể tới công nghệ viễn thông với sự xuất hiện của công ty con SK Telecom. Đây được coi là nhà mạng lớn nhất đi đầu công nghệ truyền thông ở Hàn.
Mức tăng trưởng lớn mạnh của SK đã góp phần không nhỏ vào việc hồi phục nền kinh tế Đại Hàn dân quốc. Đỉnh điểm vào năm 2009, giá trị thương hiệu hiệu SK đã đứng trong top 20 tập đoàn toàn cầu.
Tập đoàn Huyndai
Trong số các gia tộc Chaebol lâu đời nhất tại Hàn Quốc, không thể không nhắc tới Huyndai. Họ là một trong những tập đoàn được thành lập đầu tiên ở Hàn, từ năm 1947. Nếu không có Samsung, với sự phát triển vũ bão này của Hyundai có lẽ họ đã trở thành tập đoàn kinh tế đứng đầu Hàn Quốc.
Lĩnh vực kinh doanh chính của họ là sản xuất xe hơi toàn cầu với quy mô lớn nhất tại Hàn và đứng thứ 4 trên thị trường quốc tế. Có thể nhận thấy tại Việt Nam, ta rất dễ dàng bắt gặp những chiếc ô tô tải hạng nặng đều mang tên thương hiệu này bởi chất lượng tầm cỡ quốc tế mà nó mang lại.
Tập đoàn LG
Được thành lập cùng năm với Huyndai, LG Chaebol là một tập đoàn đa quốc gia phát triển chủ yếu ở lĩnh vực điện tử, điện thoại và các sản phẩm dầu khí.
Bị Samsung vượt mặt khá xa dù đã từng là đối thủ không đội trời chung nhưng LG vẫn đang tiếp tục vững bước và ngày một nâng cấp hơn trên con đường sự nghiệp của mình. Tập đoàn này vẫn luôn nằm trong top 5 Chaebol có tầm ảnh hưởng nhất của Hàn Quốc.
Tập đoàn Lotte
Được thành lập vào năm 1967, dù đi sau các anh lớn Samsung, SK,… tới cả mấy chục năm, nhưng người em Lotte này có tốc độ tăng trưởng không hề kém cạnh ai.
Biểu hiện cho đến nay, tập đoàn tài phiệt này có tới 100 các công ty con kinh doanh trên nhiều lĩnh vực khác nhau từ sản xuất bánh kẹo, đồ uống, thức ăn nhanh tới giải trí, công nghệ thông tin, xây dựng, xuất bản, dịch vụ tài chính,… mang về nguồn tài chính dồi dào khổng lồ.
Ngoài trụ sở chính đặt tại Hàn Quốc và Nhật Bản, Lotte còn mở hàng trăm cơ sở ở các quốc gia khác nhau như Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Hoa Kỳ,…
Sự thật ít ai biết về Chaebol Hàn Quốc
Không thể phủ nhận những thành tựu mà các Chaebol mang về giúp cho nền kinh tế quốc dân vực dậy khỏi cơn khủng hoảng, nhưng bên cạnh đó không thiếu những mặt trái mà ít ai biết về họ.
Nắm giữ trong tay gần 50% nền kinh tế Hàn Quốc, các Chaebol nghiễm nhiên tự cho mình một quyền lực vô hình kiểm soát không chỉ kinh tế mà còn tác động cả vào chính trị. Rất nhiều Chaebol sử dụng sức mạnh tài chính của mình nhằm hậu thuẫn cho các chính trị gia. Mục đích chính của sự hậu thuẫn này, nhằm gián tiếp thông qua họ tác động vào hệ thống chính trị đưa ra những đặc quyền, chính sách củng cố quyền lực, vị thế cho tập đoàn.
Đây thực sự là một nước đi thông minh nhưng không phải ai cũng thành công. Điển hình vụ bê bối chính trị năm 2017 liên quan tới cựu tổng thống Park Geun-hye và “thái tử Samsung” Lee Jae Yong đã gây rúng động dân tình. Vụ việc dường như khiến họ có cái nhìn khác về những gia tộc giàu nhất Hàn Quốc này.
Ngoài ra, việc ưu ái hơn cho những Chaebol, đưa luồng tiền vào túi người giàu đã vô tình kéo dãn khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Có những người sinh ra đã quá vạch đích, ngậm thìa vàng mà lớn lên, ngược lại là những người sinh ra đã phải gắng sức bươn trải cho cuộc sống. Những vấn đề luôn tồn đọng trong xã hội này cần phải được cải thiện nhằm tránh những hệ lụy gây ra sau này.
Qua những thông tin hữu ích được nêu trên, mong rằng bài viết không chỉ giúp bạn giải đáp thắc mắc “Chaebol là gì?”. Mà nó còn bổ sung thêm nhiều vấn đề xoay quanh giúp bạn có cái nhìn đa chiều hơn về Chaebol Hàn Quốc.