Nghĩa vụ quân sự Hàn Quốc được xem như là một “cơn ác mộng” với các nam thanh niên xứ sở Kim Chi. Vậy tại sao nghĩa vụ quân sự ở Hàn Quốc lại khắc nghiệt đến vậy? Hãy đọc bài viết dưới đây để tìm hiểu nhé!
Nghĩa vụ quân sự là gì? Luật nghĩa vụ quân sự tại Hàn Quốc
Nghĩa vụ quân sự là gì?
Nghĩa vụ quân sự hay còn được gọi là quân dịch, là nghĩa vụ bắt buộc mà một cá nhân hay một nhóm người sẽ thực hiện trong quân đội hoặc lực lượng dân quân bất kể người đó là ai trong xã hội.
Nhiều quốc gia, điển hình là nghĩa vụ quân sự Hàn Quốc, đòi hỏi mọi công dân nam đều phải thực hiện ngoại trừ các trường hợp bất khả kháng về thể chất hay tinh thần. Thậm chí tại Israel, nữ công dân cũng phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Tuy nhiên, hầu hết các nước trên thế giới nếu không phải đang trong tình trạng thiếu quân số do chiến tranh thì đều áp dụng chế độ tòng quân tình nguyện, ví dụ như Việt Nam. Các quốc gia áp dụng chế độ này thường sẽ không yêu cầu nghĩa vụ quân sự bắt buộc với tất cả công dân của mình.
Luật nghĩa vụ quân sự ở Hàn Quốc
Đầu năm 2020, Hàn Quốc đã ban hành luật nghĩa vụ quân sự mới. Luật nghĩa vụ quân sự mới này có một vài thay đổi lớn so với các năm trước. Những thay đổi cụ thể sẽ được đề cập dưới đây.
Độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự – Bao nhiêu tuổi hết nghĩa vụ quân sự tại Hàn Quốc?
Chế độ quân sự bắt buộc tại Hàn Quốc được cho là bắt đầu từ năm 1957 và có quy định các nam công dân trong độ tuổi nhập ngũ từ 18-35 tuổi phải thi hành nghĩa vụ quân sự trong quân đội Hàn Quốc. Riêng đối với nữ giới thì không bắt buộc tham gia nhưng có thể tình nguyện nhập ngũ.
Cụ thể, nam thanh niên khi tròn 18 tuổi sẽ bắt buộc phải ghi danh nhập ngũ và đến năm 19 tuổi sẽ đi khám sức khỏe quân sự. Sau khi khám, nếu đủ điều kiện sức khỏe đi nghĩa vụ quân sự thì các nam thanh niên sẽ có 2 lựa chọn: Hoặc lựa chọn đi thực hiện nghĩa vụ quân sự luôn hoặc nếu có việc riêng thì tạm hoãn nghĩa vụ quân sự. Việc tạm hoãn này cũng có thời hạn, thanh niên tạm hoãn bắt buộc phải đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trong đúng độ tuổi đi nghĩa vụ quân sự ở Hàn Quốc.
Giấy chứng minh đã thực hiện nghĩa vụ là một tấm vé thông hành rất có trọng lượng tại Hàn Quốc. Những người sở hữu giấy chứng minh mình đã từng có thời gian làm “lính Hàn Quốc” thường sẽ được ưu tiên hơn so với một người có cùng điều kiện nhưng chưa từng có cuộc sống trong quân ngũ. Vì vậy nên nam thanh niên tại Hàn Quốc thường chọn nhập ngũ ngay trước hoặc sau khi học đại học.
Thời gian đi nghĩa vụ quân sự
Theo thông tin từ Đài Truyền hình KBS Hàn Quốc, từ tháng 1 năm 2020, thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự Hàn Quốc đã được rút ngắn. Cụ thể:
- Lục quân, Thủy quân, Lục chiến: Giảm từ 21 tháng xuống còn 18 tháng
- Hải quân: Giảm từ 23 tháng xuống còn 20 tháng
- Không quân: Giảm từ 24 tháng xuống còn 22 tháng
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, những thanh niên này sẽ nằm trong danh sách “binh lính Hàn Quốc dự bị” trong 6 năm tiếp theo để sẵn sàng được điều động bất cứ khi nào.
Các trường hợp miễn nghĩa vụ quân sự
Tuy là bắt buộc nhưng tùy hoàn cảnh và điều kiện thể chất cá nhân mà vẫn còn những số ít là trường hợp ngoại lệ. Theo quy định, những trường hợp được miễn nghĩa vụ quân sự tại Hàn Quốc là:
- Người tàn tật;
- Người mắc bệnh tâm thần;
- Người mắc các bệnh truyền nhiễm;
- Người không có khả năng lao động;
- Vận động viên giành Huy chương Vàng tại ASIAD hoặc Olympic. Tuy nhiên, những vận động viên này vẫn cần trải qua một đợt huấn luyện quân sự tập trung kéo dài 4 tuần;
- Ngoài ra, còn có những lý do một bộ phận nhỏ công dân Hàn Quốc từ chối nhập ngũ vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Hồ sơ và đơn từ chối nhập ngũ của các cá nhân này sẽ được thẩm định kỹ lưỡng tại Ủy ban Thẩm định Cơ quan Quản lý Nhập ngũ và Thực hiện Nghĩa vụ quân sự (MMA).
Những cá nhân từ chối nhập ngũ sẽ phải tham gia nghĩa vụ quân sự thay thế. Hình thức này được coi là một thay đổi lớn nhất trong chế độ quốc phòng từ xưa đến nay của Hàn Quốc. Theo đó, thời gian thực hiện nghĩa vụ thay thế là 36 tháng theo hình thức phục vụ công ích trong trại giam.
Lương nghĩa vụ quân sự
Tại Hàn Quốc, khi tham gia nghĩa vụ quân sự, binh lính sẽ có một khoản trợ cấp gọi là lương nghĩa vụ quân sự. Cụ thể, trong năm 2020, chính phủ Hàn đã công bố mức lương nghĩa vụ mới như sau:
- Binh nhì: 408.102 won/tháng
- Binh nhất: 441.700 won/tháng
- Hạ sĩ: 448.229 won/tháng
- Trung sĩ: 504.892 won/tháng
Nghĩa vụ quân sự Hàn Quốc đối với người nước ngoài
Với những người nước ngoài khi nhập tịch Hàn Quốc thì không phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Những thanh niên là con lai Hàn hoặc mang 2 quốc tịch Hàn và nước ngoài thì từ năm 2009 không còn được miễn nhập ngũ mà phải bắt buộc chọn 1 trong 2 lựa chọn:
- Thực hiện nghĩa vụ quân sự như các thanh niên Hàn Quốc bình thường khác để giữ quốc tịch Hàn;
- Từ bỏ quốc tịch Hàn để không phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, những trường hợp này sẽ gặp nhiều bất lợi khi xin cấp visa F4 về sau.
Kinh nghiệm đi nghĩa vụ quân sự – 5 sự thật không phải ai cũng biết về cuộc sống quân ngũ
Cuộc sống trong quân ngũ – Chế độ sinh hoạt, huấn luyện
Vậy đi nghĩa vụ quân sự được mang theo những gì?
Khi nhập ngũ, thanh niên Hàn Quốc sẽ được phát các loại trang phục cơ bản của một quân nhân gồm: Quân phục Hàn Quốc, áo khoác lính Hàn Quốc, giày quân đội, ba lô, vật dụng tư trang theo tiêu chuẩn quân đội. Ngoài ra, các nam thanh niên còn có thể mang theo những vật quan trọng cá nhân như ảnh gia đình, bút, thư từ,… và đặc biệt là phải cắt tóc ngắn.
Cuộc sống trong quân ngũ Hàn Quốc có chế độ sinh hoạt cực kỳ nghiêm khắc buộc phải tuân thủ. Từ giờ giấc ăn uống, ngủ nghỉ, tập luyện hay thậm chí cả việc đi vệ sinh cũng buộc phải theo thời gian biểu. Chính sự hà khắc này đã khiến không ít các thanh niên hay người nổi tiếng quen với cuộc sống tiện nghi, hiện đại nếm mùi khổ sở.
Theo những thay đổi đầu năm 2020, thời gian sinh hoạt và nghỉ ngơi của binh lính trong quân đội Hàn Quốc có những sự thay đổi được cho là “dễ thở” và “ưu ái” hơn. Cụ thể:
- Cuộc sống trong doanh trại sẽ gần như tách biệt với thế giới bên ngoài, không được sử dụng điện thoại, các thiết bị điện tử thường xuyên. Cả ngày phải mặc đúng quân phục quân đội Hàn Quốc theo quy định.
- Các binh lính sau khi kết thúc thời gian huấn luyện của một ngày có thể được phép ra ngoài từ 17h30 đến 21h30. Tuy nhiên, khi muốn được ra ngoài cần phải có lý do chính đáng. Những lý do có thể xem xét là khám bệnh, tiếp đón người nhà đến thăm, về thăm gia đình hay tham gia các hoạt động tập thể do đơn vị tổ chức.
- Mỗi cá nhân được phép xin ra ngoài tối đa 2 lần/tháng và mỗi lần chỉ được tối đa 35% binh lính mỗi đơn vị được phép ra ngoài.
- Chính phủ đang thử nghiệm cho phép sử dụng điện thoại di động sau khi kết thúc huấn luyện tại toàn bộ các điểm quân sự cả nước. Hiện tại, các binh lính được sử dụng điện thoại từ 18h đến 22h các ngày trong tuần và từ 7h đến 22h vào các ngày nghỉ. Điện thoại tùy từng doanh trại mà được quy định tự bảo quản hay bảo quản tập thể. Được biết các tính năng ghi âm hay chụp hình đều được quản lý chặt chẽ để đảm bảo an toàn an ninh quốc gia. Quyết định chính thức về thời gian sử dụng điện thoại sẽ được công bố trong nửa đầu năm 2020.
Không thể phủ nhận sự khắc nghiệt của môi trường huấn luyện quân sự của Hàn Quốc, nhưng chúng ta đều phải công nhận rằng khóa huấn luyện này đã giúp không ít thanh niên Hàn Quốc thay đổi. Họ trở nên cứng cáp, rắn rỏi và trưởng thành hơn trước rất nhiều. Thậm chí để khai thác cận cảnh nhất về cuộc sống trong doanh trại, ở Hàn Quốc đã xuất hiện show truyền hình “Sao nhập ngũ Hàn Quốc”. Đây cũng là một trong những chương trình truyền thực tế hình ăn khách nhất của Hàn và được nhiều quốc gia mua bản quyền chuyển thể.
6 sự thật về cuộc sống quân ngũ Hàn Quốc khắc nghiệt
Nghĩa vụ quân sự là bình đẳng
Không có những trường hợp “con ông cháu cha” mà có thể lách nghĩa vụ quân sự như tại một số quốc gia trên thế giới, Hàn Quốc coi tất cả mọi người đều là bình đẳng, đều phải có nghĩa vụ với quốc gia. Từ những người dân bình thường cho đến con cháu chính trị gia hay người nổi tiếng khi đến tuổi đều phải tham gia nhập ngũ.
Chính vì lý do này mà nhiều ngôi sao đang lên đã phải đánh đổi bằng cả sự nghiệp của mình. Bởi khi sao Hàn nhập ngũ trong khoảng thời gian 2 năm, showbiz sẽ có hàng loạt các ngôi sao khác tỏa sáng hơn. Tuy nhiên, nếu không thực hiện nghĩa vụ quân sự chứng minh lòng trung thành với quốc gia thì những ngôi sao này còn phải nhận những gạch đá nặng nề hơn từ dư luận.
Trốn nghĩa vụ quân sự Hàn Quốc mang tội phản quốc
“Trốn nghĩa vụ quân sự bị phạt gì?” là một câu hỏi gây nhiều sự ám ảnh với nhiều người dân Hàn Quốc những mức phạt nặng nề của nó.
Đối với những trường hợp cố tình gian lận để trốn nghĩa vụ quân sự Hàn Quốc thường sẽ phải nhận án 18 tháng tù giam và lưu vào hồ sơ hình sự. Việc lưu hồ sơ này sẽ khiến người nhận án gặp rất nhiều khó khăn trong việc xin việc làm, cơ hội xin việc thành công gần như không thể. Hơn thế nữa, họ vừa phải chịu sự trừng phạt của Tòa án hình sự, vừa phải chịu sự giày vò của tòa án lương tâm và những lời phỉ báng của công chúng.
Đã có không ít trường hợp là người nổi tiếng đã phải mất cả sự nghiệp chỉ vì phát hiện gian lận trong việc trốn nghĩa vụ quân sự. Hai trường hợp điển hình mà đến nay vẫn được nhắc như một tấm gương xấu cho việc trốn nghĩa vụ tại Hàn Quốc là nam ca sĩ Steve Yoo (Yoo Seung Joon) bị trục xuất vĩnh viễn khỏi Hàn năm 2012 và MC Mong (Shin Dong Hyun) bị kết án 6 tháng tù giam do cố tình nhổ bớt răng để bản thân không đủ điều kiện sức khỏe tham gia nghĩa vụ.
Chương trình huấn luyện gian khổ như lính Mỹ
Trong 5 tuần đầu tiên khi nhập ngũ, những tân binh của Hàn sẽ phải trải qua những bài tập luyện vô cùng khắt khe do những người chỉ huy lão làng trực tiếp dẫn dắt. Bị mắng, bị phạt do chưa quen với những quy củ trong quân đội hay việc ăn uống, đi đứng, nói chuyện cũng phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt đã khiến nhiều tân binh rơi vào khủng hoảng.
Theo số liệu của Chính phủ Hàn Quốc, trong suốt một thập kỷ vừa qua, có khoảng 800 người đã tự tước đi mạng sống của mình khi thực hiện nghĩa vụ quân sự. Đây là một con số gây shock với nhiều người.
Binh lính được hưởng nhiều phúc lợi
Tuy khó khăn, gian khổ nhưng những binh lính Hàn Quốc có thể được hưởng rất nhiều đãi ngộ xã hội.
- Những người thực hiện tốt trong khoảng thời gian huấn luyện quân sự được cấp trên đánh giá cao khi hoàn thành thời gian thực hiện nghĩa vụ sẽ được các công ty ưu ái nhận vào làm.
- Trong vòng 6 năm kể từ khi xuất ngũ, tên của bạn sẽ có trong danh sách dự bị. Nằm trong danh sách này, bạn sẽ được tham gia các khóa huấn luyện ôn lại các kỹ năng chiến đấu được tổ chức hàng năm. Nếu nổ ra chiến tranh thì bạn sẽ nằm trong đội lính tinh nhuệ của Hàn Quốc.
- Những mặt hàng trong cửa hàng dành riêng cho quân nhân có giá thành rẻ hơn 20-30% so với thị trường nhưng lại có chất lượng tốt nhất.
- Quân nhân và người nhà của quân nhân sẽ được những ưu ái về việc khám, chữa bệnh.
Những người nổi tiếng được miễn nghĩa vụ quân sự
Theo thống kê, hiện tại có 24 sao Hàn được miễn quân sự vì các lý do cá nhân. Các lý do đó là:
- Chưa đủ điều kiện bằng cấp (Mới tốt nghiệp THCS)
- Không đủ điều kiện về sức khỏe (Chiều cao, cân nặng không đạt chuẩn, tổn thương mắt trái, dây chằng đầu gối, tràn khí màng phổi, rối loạn nhịp tim…)
- Mắc các bệnh về tâm lý (Trầm cảm)
- Khó khăn trong duy trì kế sinh nhai
- Đặc biệt có nam diễn viên Woo Hyun được miễn do từng có án tiền sự khi tham gia Phong trào dân chủ Gwangju. Người dân Hàn Quốc gọi nam diễn viên với cái tên kính trọng là “Thánh” vì đóng góp nhiều công lao to lớn cho đất nước.
Có những người lại tha thiết muốn được đi nghĩa vụ quân sự Hàn Quốc
Bên cạnh những trường hợp tìm mọi cách để trốn tránh nghĩa vụ quân sự, vẫn có những cá nhân tha thiết muốn được cống hiến cho đất nước. Có 3 tấm gương điển hình là:
- Diễn viên Cha In Pyo là con trai cưng của đại gia hàng hải có tiếng nhưng lại cãi lời cha và từ bỏ quyền thừa kế để về Hàn Quốc làm nghệ sĩ. Vì mang quốc tịch Mỹ nên anh không cần tham gia nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên Cha In Pyo đã từ bỏ thẻ xanh, từ bỏ quốc tịch Mỹ để tòng quân.
- Ca sĩ Ok Taecyeon của nhóm 2PM cũng tương tự như trường hợp trên. Anh đã từ bỏ quốc tịch Mỹ để nhập tịch Hàn và đi nghĩa vụ quân sự. Được biết gia đình anh đã định cư gần 20 năm tại Mỹ và rất ủng hộ quyết định của con trai.
- Ca sĩ Kim Jong Kook có bố là cựu chiến binh trong chiến tranh châu Á và có công lớn với quốc gia. Vì vậy mà 2 anh em Kim Jong Kook được miễn giảm thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự xuống còn 6 tháng. Tuy nhiên, cả Kim Jong Kook và anh trai Kim Jong Myeong đều quyết định thực hiện thời gian thi hành nghĩa vụ như bao người đàn ông Hàn Quốc bình thường khác.
Sở dĩ nghĩa vụ quân sự Hàn Quốc khắt khe như vậy là bởi trên thực tế, Hàn Quốc và Triều Tiên chỉ đang trong tình trạng đình chiến chứ chưa hòa bình. Vậy nên Hàn Quốc mới cần luôn trong tư thế sẵn sàng và cảnh giác cao độ như vậy.
Đọc thêm:
- Cách học tiếng Hàn Quốc Online hiệu quả nhất hiện nay
- Những phầm mềm học tiếng Hàn Quốc được sử dụng nhiều nhất
- https://duhocsunny.edu.vn/khoa-hoc-tieng-han-online/