Du học nghề Hàn Quốc và 7 khó khăn có thể bạn chưa biết

Hiện nay, có không ít trung tâm tư vấn du học Hàn Quốc đang quảng cáo rầm rộ về chương trình du học nghề Hàn Quốc với những lời lẽ hoa mỹ nhằm thu hút học viên. Nhưng thực hư ra sao? Hãy tham khảo bài viết dưới đây để có cái nhìn tổng quan nhất nhé!

Tìm hiểu về chương trình du học nghề Hàn Quốc

Du học nghề Hàn Quốc là gì?

Du học nghề Hàn Quốc có thể được hiểu là sang Hàn Quốc học một nghề nhất định tại các trung tâm đào tạo, cơ sở giáo dục dạy nghề tư nhân hoặc hệ học nghề của trường cao đẳng/ đại học.

Thời gian du học nghề ngắn hơn so với du học cao đẳng/ đại học, không quá 2 năm. Trong một tuần chỉ học 4 buổi sáng với 2 buổi học lý thuyết và 2 buổi học thực hành được trả lương tại các công ty, xí nghiệp. Vào các ngày nghỉ còn lại bạn có thể đi làm thêm tại những nơi mà trung tâm/ trường học của bạn cho phép.

Sau khi kết thúc chương trình học, sinh viên sẽ không được cấp bằng mà chỉ được cấp chứng chỉ nghề Hàn. Bạn có thể liên thông lên hệ cao đẳng hoặc đại học nếu có điều kiện để nhận được những tấm bằng có giá trị cao hơn.

Du học nghề Hàn Quốc có những nghề gì?

Các ngành du học Hàn Quốc chương trình du học nghề hạn chế hơn rất nhiều so với các ngành du học tại Hàn Quốc hệ cao đẳng/ đại học/ thạc sĩ/ tiến sĩ và chủ yếu là các nghề công nghiệp gốc Hàn Quốc, các ngành nghề mà đất nước này thiếu hụt nguồn nhân lực như:

  • Nấu ăn
  • Lắp giáp cơ khí
  • Tiện CNC
  • Hàn bán tự động
  • Gia công phần mềm
  • Điện
  • Điện tử
  • Điện lạnh
  • Hướng dẫn viên du lịch
  • Sửa chữa bảo dưỡng ô tô
  • Thi công xây dựng
  • May mặc
  • Làm đẹp thẩm mĩ
  • Y tá
  • Điều dưỡng

Điều kiện du học nghề tại Hàn Quốc

So với điều kiện du học nghề Hàn Quốc 2019 thì điều kiện của năm nay vẫn giữ nguyên như cũ, về cơ bản là không có gì thay đổi:

+ Độ tuổi: từ 18 – 30 tuổi.

+ Đã tốt nghiệp THPT/ cao đẳng/ đại học với điểm trung bình của cấp học cao nhất đạt từ 5.0 trở lên. Các bạn đã tốt nghiệp cao đẳng/ đại học hoặc có chứng chỉ nghề tương đương với ngành nghề mà bạn đăng ký đi du học Hàn Quốc sẽ được ưu tiên hơn.

+ Có chứng chỉ tiếng Hàn Topik 2 hoặc Klat 2.

+ Học viên và phụ huynh là người nước ngoài, là công dân không mang quốc tịch Hàn Quốc.

+ Không có tiền án tiền sự.

+ Có điều kiện sức khỏe tốt, đảm bảo có thể theo học tại Hàn Quốc và không mắc các bệnh truyền nhiễm như: lao phổi, HIV, giang mai, lậu,…

+ Không bị cấm xuất cảnh ở Việt Nam và không bị cấm nhập cảnh ở Hàn Quốc.

+ Người thân (trong sổ hộ khẩu) không cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

+ Có sổ tiết kiệm gửi tại ngân hàng ít nhất 3 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ và trị giá tối thiểu 11.000 USD.

Quy trình đi du học nghề Hàn Quốc

Bước 1: Chọn trường, chọn ngành nghề phù hợp.

Bước 2: Làm hồ sơ du học nghề Hàn Quốc và gửi cho trường mà bạn đăng ký.

Bước 3: Học và thi chứng chỉ tiếng Hàn. Nếu bạn nào đã có chứng chỉ tiếng Hàn Topik 2 hoặc Klat 2 thì có thể bỏ qua bước này nhé!

Bước 4: Nhận invoice.

Bước 5: Nộp tiền học phí và các khoản phí khác.

Bước 6: Nhận thư mời nhập học/ code.

Bước 7: Xin visa du học nghề.

Bước 8: Nhận kết quả visa.

Bước 9: Xuất cảnh tại Việt Nam.

Bước 10: Nhập cảnh tại Hàn Quốc và bắt đầu cuộc sống của du học sinh.

Chi phí du học nghề Hàn Quốc 2020

Khi tìm hiểu về du học Hàn Quốc bạn sẽ thấy, chi phí để đi du học nghề không hề rẻ và cao hơn so với các chương trình du học khác. Một số chi phí mà bạn phải trả là:

  • Học và thi chứng chỉ tiếng Hàn: 5 – 10 triệu VND
  • Làm hồ sơ du học: 35 – 45 triệu VND
  • Chứng minh tài chính : 0 – 15 triệu VND
  • Phí xét duyệt và nhập học: 2 – 3 triệu VND
  • Bảo hiểm: 5 triệu VND/ năm
  • Học phí: 110 – 130 triệu VND/ năm
  • Vé máy bay: 6 – 11 triệu VND
  • Sinh hoạt phí: 10 – 20 triệu VND/ tháng

=> Chi phí du học nghề Hàn Quốc trong một năm sẽ dao động khoảng 250 triệu VND.

Visa du học nghề ở Hàn Quốc

Theo thông tin du học Hàn Quốc, visa du học nghề là D – 4 – 6 (사설기관연수). Loại visa này không được gia hạn hay chuyển đổi sang các loại visa khác. Đây là điều mà bạn cần hết sức lưu ý để tỉnh táo trước những lời quảng cáo thiếu chính xác của các trung tâm tư vấn du học. 

Đa phần các bạn đi du học Hàn Quốc đều muốn chuyển sang visa E – 7 (visa cấp cho lao động kĩ thuật có bằng cấp chuyên môn, lao động có tay nghề cao) để ở lại làm việc. Thế nhưng visa D – 4 – 6 lại không có giá trị gì trong việc chuyển đổi lên E – 7. Nếu muốn chuyển lên E – 7 bạn bắt buộc phải học liên thông cao đẳng với visa D – 2 – 1 trước đã. Do đó, visa du học nghề là D – 4 – 6 là loại visa ít người muốn sở hữu.

7 khó khăn khi đi du học nghề Hàn Quốc

Cơ hội chọn trường, chọn ngành bị hạn chế

Khi sang Hàn Quốc du học nghề, bạn chỉ được đăng ký học tại các trường nghề, các trung tâm đào tạo cơ sở giáo dục dạy nghề tư nhân được chứng nhận và cấp phép tiếp nhận sinh viên quốc tế. Hiện nay, chỉ có khoảng 30 cơ sở đang hoạt động với hình thức này. Nếu bạn đi du học tiếng, du học cao đẳng/ đại học thì có đển cả vài trăm trường cho bạn thoải mái lựa chọn. Điều này đã cho thấy sự hạn chế trong việc chọn trường của du học nghề.

Bạn lưu ý, nơi mà bạn đăng ký theo học phải đáp ứng được 4 yêu cầu:

1. Cơ sở đào tạo thỏa mãn một trong các điều kiện thành lập sau:

  • được thành lập bởi một công ty Hàn Quốc
  • được liên kết với một công ty Hàn Quốc
  • trực thuộc trường đại học chuyên đào tạo về kĩ thuật
  • là chi nhánh tại Hàn Quốc của một trung tâm đào tạo kĩ thuật nổi tiếng ở nước ngoài
  • ký hợp đồng độc quyền với trung tâm đào tạo kĩ thuật nổi tiếng của nước ngoài

2. Cơ sở đào tạo đã hoạt động trên 1 năm.

3. Học phí của các cơ sở đào tạo trong một học kỳ tối thiểu là 4.000.000 won và trong một năm học tối thiểu là 8.000.000 won.

4. Thời gian học phải đáp ứng được ít nhất 4 ngày/ tuần (tùy chọn 4 trong 5 buổi học từ thứ 2 – thứ 6) và tối thiểu 15 giờ/ tuần.

Chính vì có ít cơ sở đào tạo nên mới dẫn đến việc có ít ngành nghề để lựa chọn. Bạn có thể xem lại các ngành du học nghề Hàn Quốc đã giới thiệu ở phía trên, trong phần Du học nghề Hàn Quốc có những nghề gì nhé!

Ngoài ra, nếu bạn muốn học nghề ngay tại Việt Nam với trang thiết bị, máy móc, chương trình, giáo trình đào tạo 06 nghề đạt Chuẩn Hàn Quốc: Cắt gọt kim loại; Hàn; Công nghệ ô tô; Điện công nghiệp; Điện tử công nghiệp và Cơ điện tử thì có thể đăng ký theo học tại Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam Hàn Quốc. Có lẽ đây sẽ là một lựa chọn lý tưởng hơn so với du học nghề Hàn Quốc đấy. Bạn cân nhắc nha.

Chi phí cao

Chi phí để đi du học nghề Hàn Quốc trong năm đầu tiên rơi vào khoảng 250 triệu VND, trong khi các chương trình du học khác chỉ mất trung bình khoảng 200 triệu VND.

Bởi vì đây là một chương trình du học mới được khởi động từ năm 2016 nên nó chưa phổ biến và không được nhiều người lựa chọn => nhiều công ty/ trung tâm tư vấn du học không nắm rõ cách làm, thiếu kinh nghiệm => chi phí xử lý hồ sơ cao. Do đó, bạn nhất định phải tìm được các công ty/ trung tâm du học Hàn Quốc uy tín để chọn mặt gửi vàng, tránh tiền mất tật mang nhé!

Mặt khác, chi phí chứng minh tài chính và học phí của chương trình du học nghề Hàn Quốc cũng cao hơn so với các chương trình du học khác.

Bắt buộc phải có chứng chỉ tiếng Hàn mới được đi du học

Trong điều kiện du học Hàn Quốc của chương trình du học nghề có đề cập đến chứng chỉ tiếng Hàn Topik 2 hoặc Klat 2 và đây là một điều kiện bắt buộc. Chỉ khi có chứng chỉ này bạn mới đủ điều kiện nộp hồ sơ vào các trường nghề.

Đối với chương trình du học tiếng Hàn thì đây không phải là một điều kiện bắt buộc. Bạn chỉ cần học các kiến thức cơ bản, giao tiếp thông thường đủ để trả lời phỏng vấn với trường và với Đại sứ quán.

Cần nhiều thời gian mới có thể đi du học

Nếu bạn chưa biết tiếng Hàn thì cần phải mất khoảng ít nhất 6 tháng mới có thể đi du học nghề Hàn Quốc. Bởi vì bạn phải học tiếng và phải thi đỗ chứng chỉ Topik 2 hoặc Klat 2. Thời gian này phụ thuộc hoàn toàn vào bản thân bạn vì nếu bạn thực sự chăm chỉ học thì có thể mất khoảng 3 – 6 tháng nhưng nếu lười biếng thì sẽ rất tốn thời gian đó.

Sau khi lấy được chứng chỉ bạn mới có thể hoàn thiện hồ sơ du học và apply vào các trường rồi lại chờ thông báo trúng tuyển, nộp hồ sơ xin visa,…

Trong khi đó, thời gian nhanh nhất để đi du học tiếng Hàn chỉ cần 3 tháng cho tất cả các thủ tục. Như vậy, ta có thể thấy thời gian để đi du học nghề tốn gấp 2, gấp 3, thậm chí là gấp nhiều lần đi du học tiếng.

Không được cấp bằng

Sau khi hoàn thành xong chương trình du học nghề, bạn sẽ được cơ sở đào tạo cấp chứng chỉ nghề chứ không phải các loại bằng cấp có giá trị như bằng cao đẳng hay bằng đại học. Nếu muốn chứng chỉ của mình được công nhận rộng rãi thì bạn phải đăng ký thi Chứng chỉ nghề quốc gia của Hàn Quốc (국가기술자격).

Visa du học nghề không được gia hạn hay chuyển đổi sang các loại visa khác

Visa du học nghề D – 4 – 6 gần như không giúp ích gì cho bạn trong việc chuyển qua visa kỹ sư, lao động có tay nghề và bằng cấp chuyên môn cao E – 7 huống chi là visa cho phép bảo lãnh sang Hàn Quốc làm việc.

Như đã giải thích ở trên, để có thể chuyển sang visa E – 7, bạn bắt buộc phải học liên thông cao đẳng nghề với visa D – 2. Sau khi kết thúc chương trình du học cao đẳng, bạn sẽ được chuyển qua visa D – 10 (visa cho phép sinh viên ở lại Hàn Quốc làm việc 2 năm kể từ khi tốt nghiệp) rồi mới chuyển tiếp lên visa E – 7.

Sinh viên du học nghề không được đi làm thêm

Theo Luật xuất nhập cảnh Hàn Quốc được Bộ Tư pháp ban hành ngày 28/06/2017, du học sinh diện visa D – 4 – 6 không được phép đi làm thêm. Tuy nhiên, nếu bạn được các công ty/ xí nghiệp liên kết với cơ sở đào tạo của bạn nhận vào làm trong các ngày nghỉ thì bạn vẫn sẽ được trả lương đầy đủ.

Lưu ý là bạn không có sự lựa chọn trong công việc làm thêm của mình mà phải làm theo đúng nghề đang học. Ví dụ, bạn du học nghề nấu ăn thì phải tìm việc nấu ăn cho người Hàn Quốc tại những nơi liên kết với cơ sở đào tạo bạn đang theo học.

Đây là một bất lợi khá lớn của chương trình du học nghề. Bởi vì chương trình du học tiếng được đi làm sau 6 tháng khi có điểm chuyên cần trên 90%, du học cao đẳng/ đại học/ sau đại học được đi làm thêm ngay sau khi đến Hàn Quốc.

Lời khuyên dành cho bạn

Du học nghề bị hạn chế cơ hội chọn ngành, chọn trường là thế nên bạn có thể tham khảo chương trình du học tiếng Hàn với chi phí rẻ hơn mà lại bổ sung được vốn tiếng chuẩn như người bản ngữ.

Sau khi kết thúc chương trình du học tiếng, bạn có thể tự tin đăng ký du học cao đẳng/ đại học. Theo học các chương trình này, bạn sẽ không còn phải quá đau đầu vì không biết du học Hàn Quốc nên học ngành gì. Bởi ngành học không còn bị hạn chế, bó hẹp mà rất đa dạng, phong phú như:

  • Du học Hàn Quốc ngành truyền thông
  • Du học Hàn Quốc ngành thiết kế thời trang
  • Du học Hàn Quốc ngành làm đẹp
  • Du học Hàn Quốc ngành du lịch
  • Du học Hàn Quốc ngành kinh tế
  • Du học Hàn Quốc ngành quản trị kinh doanh
  • Du học Hàn Quốc ngành âm nhạc
  • Du học Hàn Quốc ngành nghệ thuật
  • Du học Hàn Quốc ngành trang điểm
  • Du học Hàn Quốc ngành điện ảnh
  • Du học Hàn Quốc ngành công nghệ thông tin
  • Du học ngành y tại Hàn Quốc
  • Du học Hàn Quốc ngành y tá, điều dưỡng

Bên cạnh đó, trong thời gian học tập tại Hàn Quốc, bạn còn được đi làm thêm và quan trọng nhất là sau khi kết thúc chương trình học bạn sẽ được cấp bằng Cao đẳng/ Đại học.

Hy vọng những thông tin mà bài viết cung cấp ở trên sẽ giúp các bạn có suy nghĩ thông suốt và đưa ra được quyết định đúng đắn về du học nghề Hàn Quốc nhé!

Leave a Comment